Nếu bạn đang muốn biết công thức để làm món bánh cáy đặc sản Thái Bình thì Trong bài viết này Amthuc247.me sẽ bật mí cho bạn công thức làm bánh cáy vừa đơn giản lại dễ làm tại nhà nhé!
1. Đặc điểm và nguồn gốc của bánh cáy
Nguồn gốc: Bánh cáy là đặc sản của quê lúa Thái Bình, được làm ra từ đôi bàn tay khéo léo của người dân làng Nguyễn, ngày xưa dùng để dâng vua.
Nhiều người vẫn nhầm tưởng bánh cáy được làm từ con cáy vì cho rằng bánh cáy là do thần cáy ở biển ban cho. Tuy nhiên, trên thực tế, đây là một loại bánh được làm từ các nguyên liệu chính như: Gạo nếp, vừng, lạc…
Đặc điểm: Từ những nguyên liệu rất bình dị nhưng người dân nơi đây đã kết hợp lại để tạo nên một thứ bánh đặc sản với hương vị vô cùng đặc biệt.
Bánh cáy thường có hình chữ nhật dài và nhỏ, màu vàng hơi đồng, vừa giòn lại vừa dẻo, trên bề mặt thường có một ít gừng và cơm dừa bào sợi,… Có thể nói, đây là loại bánh rất đặc trưng mà ngoài Thái Bình ra không nơi nào có được.
2. Cách làm bánh cáy Thái Bình thơm ngon
2.1. Nguyên liệu làm bánh cáy Thái Bình
300g mỡ lợn ( đã ướp kèm với 5g muối và 300g đường kính trước 15 ngày)
0.3g trứng cáy (gạch cáy)
1 kg gạo nếp ( ngâm với nước lạnh qua đêm)
7g bột dành dành
100g vừng/mè
200g lạc/đậu phộng
1 củ gừng tươi
1 củ cà rốt
2 miếng vỏ quýt
Cơm dừa bào sợi
Gia vị: Đường
Mẹo hay
Về mỡ lợn: Bạn nên chọn mua phần mỡ vai hay mỡ gáy, không dùng mỡ sa, rửa sạch. Luộc chín vừa với 1 ít muối (để khử mùi).
Về gạo nếp: Gạo nếp ngon thường hạt gạo sẽ có kích thước to, đều hạt. Bên ngoài căn bóng, hạt gạo không bị gãy, không bị mùn hay có màu vàng.
2.2. Cách làm bánh cáy đặc sản Thái Bình
Bước 1: Sơ chế mỡ lợn
Bạn tiến hành thái hạt lựu mỡ lợn (đã ướp với hỗn hợp muối và đường 15 ngày), sau đó xào với một ít đường trên bếp đã đun nóng. Đến khi mỡ lợn chuyển màu trong và giòn thì tắt bếp.
Mẹo hay: Thái mỡ lợn nhỏ để nhanh chảy thành dầu khi đun nóng ở Bước 6
Bước 2: Chế biến gạo nếp
Vo sạch lại gạo nếp đã ngâm qua đêm. Tiếp theo, bạn rang nổ gạo nếp và lọc sạch vỏ trấu, bạn nhớ lọc sạch vỏ trấu để bánh cấy không có sạn và thêm ngon nhé.
Bước 3: Chế biến lạc và vừng
Rang chín, giòn lạc (loại bỏ vỏ) và vừng, nhớ đừng để cháy bạn nhé!
Bước 4: Chế biến hỗn hợp cà rốt
Bạn làm ngay 1 bát nước đường và 1 bát nước gừng nhỏ. Sau đó, xào cà rốt đã thái sợi với nước đường, nước gừng cùng 2 vỏ quýt tươi đến khi cà rốt chín thì bạn tắt bếp.
Lưu ý: Thái cà rốt hơi to hơn thường ăn vì khi xào cà rốt sẽ teo nhỏ lại.
Bước 5: Đồ xôi
Hòa bột dành dành với nước, lọc qua rây để lấy nước cốt. Sau đó, bạn trộn nước cốt bột dành dành với gạo nếp. Tiếp tục, bạn đem hỗn hợp đi đồ xôi ( hấp bằng hơi nước) và cuối cùng là giã xôi thật mịn như bột.
Mẹo hay:
– Giã xôi khi còn nóng sẽ mịn hơn và ít dính hơn.
– Có thể thay thế đồ xôi dành dành bằng đồ xôi gấc hoặc làm cả hai
Bước 6: Cán mỏng hỗn hợp và đảo đều cùng mỡ lợn
Bạn tiến hành cán mỏng phần xôi vừa giã mịn, cắt thành những lát mỏng vừa ăn, đem đi sấy khô. Tiếp theo, bạn cho mỡ lợn thái hạt lựu vào chảo nóng cho đến khi ra dầu rồi đổ phần bột xôi giã đã được sấy khô, nhớ đảo đều tay đến khi bánh giòn và tỏa hương thơm
Bước 7: Chế biến phần bánh cáy và đổ khuôn
Bạn trộn đều các nguyên liệu lạc rang, hỗn hợp cà rốt xào, hỗn hợp phần bột xôi giã đã xào mỡ lợn và 0.3g trứng cáy với đường mía trong một nồi lớn.
Sau đó bạn cho hỗn hợp vào chảo nóng để hâm đến khi có mùi thơm thì trút vào một cái khuôn gỗ có lót sẵn vừng rang và cơm dừa bào sợi dưới đáy. Dùng tay ấn thật chặt khuôn thôi nào!
Chú ý: Cơm dừa bào sợi sẽ làm tăng thêm độ ngon của bánh cáy, tuy vậy đây không phải là nguyên liệu bắt buộc.
Bước 8: Cắt nhỏ bánh và thưởng thức
Bạn đợi bánh nguội (khoảng 30 phút) vì nếu cắt bánh khi còn nóng sẽ làm bánh dễ vỡ. Tiếp theo, bạn bắt đầu cắt bánh và thưởng thức thôi!
3. Thành phẩm
Bánh cáy vừa dẻo lại vừa giòn, có vị ngọt vừa, hơi bùi, lại có chút béo hòa với chút vị cay nóng của gừng khiến người ăn ấm lòng và khoan khoái. Thêm một tách trà nóng vào những ngày mưa thì còn gì tuyệt vời hơn!
Trên đây là hướng dẫn cách làm bánh cáy đặc sản Thái Bình, chúc bạn thành công với món ăn này!